(HNM) - Không phải bỗng nhiên, người dân và đặc biệt các doanh nghiệp vận tải lo ngại gặp vấn nạn tắc đường, thiệt hại kinh tế khi TP Hồ Chí Minh sẽ tiến hành thi công 5 công trình giao thông trọng điểm ở các cửa ngõ và vành đai. Bởi thực tế, ở nhiều công trình, việc tổ chức phân luồng giao thông để vừa bảo đảm cho thi công, ATGT, vừa tránh tắc đường nhưng hiệu quả… ngược lại.
Dân lo tai nạn, doanh nghiệp vận tải lo thất thu Tại nút giao thông quốc lộ 1A giao Hương lộ 2, đơn vị thi công đang tiến hành xây dựng bổ sung nút giao thuộc dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc (quận Bình Tân). Để bảo đảm thi công, ATGT và tránh tắc đường, đơn vị thi công đã dựng rào chắn phân luồng, đóng kín điểm giao giữa quốc lộ 1A với Hương lộ 2 để qua đường Tây Lân và ngược lại. Do đó, để đi sang Hương lộ 2, xe ô tô phải quay đầu tại nút giao lộ khác và nút giao này lại cũng là điểm quay đầu xe của hướng đi khác. Hai luồng xe dồn hết vào 1 điểm quay đầu thì chuyện kẹt xe tắc đường nghiêm trọng là hiển nhiên. Theo quan sát của chúng tôi, vào thời gian cao điểm sáng, chiều, từng hàng xe tải kẹt cứng kéo dài nhiều kilômét.
Nghiêm trọng hơn là đường vành đai phía Đông (từ cầu Phú Mỹ - quận 7 hướng về vòng xoay Mỹ Thủy vào cảng Cát Lái - quận 2). Đoạn đường này dài gần 3km, với 2 làn hiện hữu, rộng 7,5m, đang được thi công mở rộng lên 10,5m. Đơn vị thi công đã ngăn nguyên 1 làn xe để thi công, chỉ để lại chiều rộng khoảng 3,25m dành cho xe tải đi và mở tạm thời 1 làn rộng hơn 2m để xe máy lưu thông. Theo các tài xế, chính cách phân luồng chỉ nhăm nhăm bảo đảm cho mục tiêu thi công mà không xem xét cả phía người tham gia giao thông như trên đã khiến tình trạng kẹt xe ở đây rất nghiêm trọng. Có buổi chiều, hàng trăm xe tải xếp hàng dài hơn 4km, vắt qua cầu Phú Mỹ xuống đường vành đai phía Đông, dù có lực lượng CSGT, thanh tra giao thông... để phân luồng. Nguy hiểm hơn, người lưu thông xe gắn máy phải cùng đi chung với làn xe tải. "Mặt đường thì đầy đá dăm rất dễ trượt bánh xe. Xe máy đi sát làn xe tải, dù biết nguy hiểm luôn rình rập nhưng cũng không có cách nào hơn", anh Nguyễn Văn Hưởng (ngụ tại phường Bình Trưng Đông, quận 2) lo lắng. Còn Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh bức xúc cho biết, nhiều doanh nghiệp vận tải đã kêu cứu do đây là tuyến đường chính hướng về cảng Cát Lái lấy hàng. Tình trạng tắc đường kẹt xe làm cho các đơn vị vận tải thua lỗ rất nhiều, thậm chí bị chủ hàng cắt hợp đồng do giao hàng không đúng hẹn.
Về phía cơ quan chức năng, ông Vũ Văn Điệp, Phó Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Khu 2 - Chủ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp hoàn thiện mặt đường tuyến vành đai phía Đông) cho rằng, việc thi công trên chỉ là một phần nguyên nhân mà chủ yếu do lượng xe tải đã tăng từ 30% đến 40% so với trước đây đã làm cho tuyến đường quá tải dẫn tới tắc. Còn ông Đậu An Phúc, Trưởng phòng Khai thác hạ tầng (Sở GTVT thành phố) thì nói, trong thời gian rào chắn thi công phục vụ công trình mặt đường sẽ bị thu hẹp đáng kể nên sẽ gây ra kẹt xe và tất nhiên ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Trái ngược với ý kiến trên, Tiến sĩ Phạm Sanh, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng, tình trạng kẹt xe nghiêm trọng ở các tuyến đường trên là hệ quả của việc phân luồng tổ chức giao thông không hợp lý. Theo Tiến sĩ Phạm Sanh, tất cả các văn bản pháp luật hiện hành nêu rõ đơn vị thi công nếu không thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn theo quy định, để xảy ra TNGT, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định. Trước đây, Sở GTVT TP cũng ban hành văn bản quy định đối với công trình thi công trong đô thị, rào chắn chiếm dụng mặt đường có chiều dài không quá 100m. Tuy nhiên, với việc tổ chức rào chắn trải dài gần 3km để thi công thì thiết nghĩ các đơn vị thi công và cơ quan chức năng liên quan cần phải xem lại. Bởi việc lắp đặt rào chắn phân luồng quá dài trên đường hiện hữu tất yếu làm giảm diện tích phần mặt đường xe đang chạy, hạn chế tầm nhìn, thậm chí ngăn cả dòng xe. "Phương án phân luồng của Sở GTVT giống như bài toán tìm cho ra đường đi chứ không phải bài toán bảo đảm sao cho thông suốt và an toàn cả mạng lưới", Tiến sĩ Sanh thẳng thắn nhận định. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét