Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

[Thế giới] -Mọi thứ không còn thuận lợi với Kremlin (I)

(Toquoc)-Khủng hoảng Ukraine, cấm vận và kinh tế sa sút đang gây rạn nứt trong hàng ngũ lãnh đạo Nga.

Các sự kiện xảy ra tại Ukraine trong năm nay đang gây khó khăn cho vị trí lãnh đạo của Tổng thống Putin. Trong tháng 1, Nga hoàn toàn kiểm soát tình hình Ukraine. Đến tháng 2, Yanukovich phải chạy khỏi đất nước và một chính phủ thân phương Tây đượclập nên. Cuộc nổi dậy ở miền Đông Ukraine chống lại chính phủ Kiev đã không xảy ra với quy mô như Điện Kremlin chờ đợi. Trong khi đó, chính phủ Kiev dần dần củng cố quyền lực với sự giúp đỡ của các cố vấn phương Tây. Đến tháng 7, người Nga chỉ nắm được một số phần nhỏ của Ukraine, trong đó có Crimea, và những thị trấn trong vùng tam giác Donetsk – Luhansk – Severodonetsk do quân nổi dậy kiểm soát cùng với sự trợ giúp của lực lượng đặc nhiệm Nga.



Thông tin phương Tây cho rằng trong nội bộ giới lãnh đạo chóp bu của Nga có sự rạn nứt về cách ứng xử trước các vấn để kinh tế trong nước và Ukraine

Đấu tranh quyền lực diễn ra trong giới chóp bu Điện Kremlin?

Theo báo cáo được tình báo Đức gửi chính phủ, các biện pháp trừng phạt kinh tế đang gây chia rẽ ở Nga bất chấp nỗ lực của chính quyền nước này muốn thể hiện cho thế giới thấy một mặt trận thống nhất ở Moscow.

Tạp chí Der Spiegel ngày 27-7 dẫn nội dung một báo cáo tình báo cho biết cuộc đấu đá quyền lực đang diễn ra trong giới chóp bu của Điện Kremlin - giữa các nhân vật cứng rắn và lãnh đạo kinh tế - về cách thức đối phó tốt nhất với những biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến khủng hoảng Ukraine.

Giám đốc Cục Tình báo nước ngoài (BND) Gerhard Schindler, tại một cuộc họp của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức, nhận định, dường như xuất hiện dấu hiệu rạn nứt trong khối sức mạnh của ông Putin (quốc phòng, an ninh, tình báo). Một số nhân vật muốn đặt lợi ích kinh tế trên lợi ích chính trị và đang tìm cách “hãm phanh” ông Putin.

Trong cuộc phỏng vấn cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel cho rằng lệnh trừng phạt của EU cần nhằm vào giới doanh nghiệp giàu có của Nga. Bằng cách thắt chặt thòng lọng quanh các ngân hàng Nga, EU hy vọng sẽ làm cho các nhà công nghiệp và giới tài phiệt chủ chốt xa rời Tổng thống Putin, hạn chế khả năng của Kremlin rót tiền cho các ngân hàng trên các thị trường quốc tế. Điều đó có nghĩa là Nga sẽ phải đào sâu vào các kho dự trữ tiền và làm suy yếu giá trị đồng rúp.

Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Alexei Kudrin tiết lộ với Der Spiegel: “Nếu lệnh trừng phạt được áp đặt đối với toàn bộ khu vực tài chính của Nga, nền kinh tế của Moscow sẽ sụp đổ trong vòng 6 tuần”. Nếu cấm vận nhằm vào trang thiết bị và công nghệ nhạy cảm đối với ngành năng lượng diễn ra trong 3-5 năm có thể gây nguy hại cho nước Nga.

Tồn tại hay không tồn tại!

Ukraine mang ý nghĩa sống còn với nước Nga: một vùng đệm nhằm ngăn chặn phương Tây và con đường vận chuyển năng lượng tới châu Âu - nền tảng của kinh tế Nga. Vào ngày 1/6, Tổng thống Ukraine là Viktor Yanukovich, được biết đến với tư tưởng thân Nga. Không thể nói rằng Ukraine dưới chính quyền của Yanukovich là một con rối của nước Nga do tình hình chính trị và xã hội ở nước này rất phức tạp. Nhưng có thể nói với sự lãnh đạo của Yanukovich,lợi ích cốt lõi của Nga ở Ukraine đã được đảm bảo.

Theo mạng tình báo toàn cầu Stratfor (Mỹ), một trong những lí do ông Putin lên nắm quyền thay cho Boris Yeltsin vào năm 2000 là màn trình diễn nghèo nàn của Yeltsin trong cuộc chiến Kosovo. Nga đã liên minh với Nam Tư, và tỏ rõ ý kiến rằng không muốn NATO gây chiến với Nam Tư. Tuy nhiên ý kiến đó đã bị bỏ qua; quan điểm của Nga không là gì đối với các nước phương Tây. Tuy nhiên, sau khi cuộc không kích không thể làm chính quyền Belgrade sụp đổ, người Nga đã đàm phán về một thỏa thuận cho phép NATO đưa lính vào kiểm soát Kosovo. Thỏa thuận đó cũng cho phép quân đội Nga đóng một vai trò quan trọng trong quá trình gìn giữ hòa bình ở Kosovo. Nhưng người Nga chưa bao giờ được làm điều đó, và Yeltsin đã không làm gì để đáp trả lại sự xúc phạm này.

V. Putin thay thế Yeltsin còn vì tình trạng thảm họa của nền kinh tế Nga. Mặc dù từ lâu Nga không phải là một nước giàu, tuy nhiênmọi người đều cảm giác rằng Nga là một thế lực phải dè chừng trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên dưới thời Yeltsin, Nga càng ngày càng nghèo hơn và mất đi vị thế quốc tế vốn có của họ. Do vậy Putin phải giải quyết cả hai vấn đề đó. Ông Putin đã từng nói sự sụp đổ của Liên Xô là thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỉ XX, và đã mất một thời gian dài mới có thể khôi phục sức mạnh Nga. Điều này không có nghĩa là Putin muốn khôi phục lại Liên Xô, mà ông ấy muốn xây dựng lại vị thế của Nga trên trường quốc tế cũng như bảo vệ và phát triển lợi ích quốc gia của Nga.

Điểm nhấn của vấn đề này là cuộc Cách mạng Cam ở Ukraine vào năm 2004. Năm đó Yanukovich được bầu làm tổng thống, nhưng lực lượng biểu tình đã tỏ ra nghi ngờ và đòi tổ chức bầu cử lần 2. Yanukovich thất bại, và một chính phủ thân phương Tây lên nắm quyền. Vào thời điểm đó, Putin đã cáo buộc CIA và các cơ quan tình báo phương Tây đứng đằng sau các cuộc biểu tình. Đây là thời khắc mà ông Putin gần như công khai cho rằng phương Tây có ý định tiêu diệt Liên bang Nga giống như đã làm với Liên Xô trước đây. Với V. Putin, tầm quan trọng của Ukraine là quá rõ ràng. Do đó, ông tin rằng CIA đã tổ chức cuộc biểu tình nhằm đưa Nga vào một tình thế nguy hiểm, và lí do duy nhất cho việc này là mong muốn phá hoại và hủy diệt nước Nga. Cùng với kinh nghiệm từ vụ Kosovo, Putin chuyển từ nghi ngờ sang thù địch đối với phương Tây.

Từ 2004 đến 2010, người Nga đã nỗ lực giảm thiểu các ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Cam. Họ đã xây dựng lại lực lượng quân sự, tập trung sức mạnh tình báo và mọi ảnh hưởng kinh tế có được để thiết lập lại mối quan hệ với Ukraine. Nếu họ không kiểm soát được Ukraine, họ cũng không muốn Mỹ hay châu Âu làm được điều đó. Tất nhiên đó là lợi ích quốc tế quan trọng nhất đối với nước Nga./.

Hoài Nam (theo Der Spiegelvà Stratfor)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét