Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

[Văn hóa] -Kỳ thú cảnh săn chuột đêm ở ‘xứ sở chuột đồng’

Ai cũng biết, ĐBSCL là vựa lúa lớn của cả nước và miền Tây cũng được xem là xứ sở của chuột đồng. Bất kể mùa khô hay mùa lũ, chuột nhiều vô kể.



Theo chân thợ săn
Chiều chiều, xuất hiện trước mắt tôi là hình ảnh những chiếc xuồng ba lá gắn máy chạy “tịch tịch” khắp các dòng sông khiến rộn ràng cả xóm. Chẳng ai khác, họ là những lao động sống trong Kênh 14 ở ấp 4, 6, Tân Long thuộc xã Hòa Mỹ (Phụng Hiệp, Hậu Giang).
Nghề săn chuột có cách đây đã lâu nhưng chưa bao giờ lại phát triển rầm rộ như hiện nay. Ngày trước, chỉ săn nhỏ lẻ với hơn chục người nhưng hiện nay số lượng thợ săn đã lên tới hàng trăm người.
Trước giờ đi săn, cùng ngồi trò chuyện với những người thợ săn nổi tiếng, tôi mới hiểu được công việc của những người làm nghề săn chuột cũng lắm nhọc nhằn.

Anh Sửu có tài đâm chuột rất chính xác

Anh Nguyễn Văn Sửu (35 tuổi ở ấp 4, xã Hòa Mỹ) có hơn 15 năm làm nghề săn chuột, tâm sự: “Làm nghề này quanh năm hoạt động về đêm. Nhiều khi cũng không thể đi săn thường xuyên vì trời mưa, bão hay những lúc sáng trăng. Để săn được nhiều chuột, đôi khi phải đi đồng xa vài chục cây số mới có việc làm đều đều”.
Đến 18 giờ, tôi cùng anh Sửu xuống xuồng chạy chừng 4 km và xuất hiện trước mắt tôi là ruộng lúa mới thu hoạch, có con kênh nhỏ dọc theo cánh đồng, tiếng máy ngừng chạy cũng là lúc cuộc săn chuột bắt đầu.
Gác máy lên xuồng, anh Sửu vội lấy chiếc đèn đội lên đầu, rồi đi thẳng đến mũi xuồng, còn tôi đi ngược lại phía sau để xem cách anh săn chuột. Anh Sửu ngồi lên chiếc ghế “chuyên dụng” để dễ quan sát, cạnh bên là ba cây chĩa (cán bằng trúc, mũi bằng thép) đã chuẩn bị sẵn được đặt dọc theo xuồng, tay anh vớt chiếc dầm lướt nhẹ trên mặt nước mà không hề phát ra tiếng động gì.
Tôi thắc mắc vì sao phải bơi như thế, anh Sửu nói: “Chuột rất nhát và nhạy với tiếng động nên khi bơi xuồng không được để phát ra tiếng nếu không chuột sẽ chạy mất”.
Hôm nay, anh cùng tôi đi săn ở con kênh nhỏ nhưng bề rộng cũng hơn 4 m. Bơi chưa được 10 m, mọi động tác của anh Sửu chậm lại, lái mũi xuồng sát mé kênh, tay anh nhè nhẹ vớ lấy chiếc chĩa và phóng vụt vào bãi cỏ, tiếng chuột kêu “éc éc”, nhưng anh chưa vội lấy chiến lợi phẩm mà liền rút thêm cây chĩa thứ hai tiếp tục lao đánh phập.
Sau đó, anh lấy một ống sắt rõ mạnh vào đầu con chuột, rồi kéo hai chú chuột ra khỏi chĩa và cho vào khoang xuồng.

Chiến lợi phẩm mà anh Sửu thu được

Anh Sửu chạy sang con kênh khác để tiếp tục cuộc săn. Qua con kênh mới, tôi thấy anh không chỉ săn chuột, ếch, rắn, mà còn bắt được cả cò.
Anh Sửu kể: “Đi săn, bắt được chuột là chủ yếu. Ngoài ra, còn đâm được ếch, rắn, nhưng rắn thì ít, mỗi ngày được chừng 1 kg, có lúc hên bắt được rắn hổ thì khỏe; còn ếch thì 2-3 kg”.
Đi với anh, tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tôi thấy một chú chuột chạy vào trong bụi trúc có nhiều gốc lởm chởm, cái kẽ nhỏ khó mà đâm chĩa vào được nhưng anh ghé lại, dọi đèn và đâm một phát, tôi thấy con chuột đã dính sát vào gốc trúc.
Không chỉ có vậy, trong buổi đi săn, tôi thấy những chú chuột trèo trên ngọn cây, anh vẫn rút chĩa và đâm rất chuẩn xác. Hầu như, ít có con chuột nào chạy khỏi mũi chĩa của anh.
Đến con kênh thứ 3, tôi thấy có rất nhiều ánh đèn và tiếng nói cất lên: Hôm nay được nhiều không? Có bắt được rắn không? Anh Sửu vội đáp: Chắc được hơn 5 kg. Còn anh được nhiều không? Một người lạ mặt giơ chiếc giỏ lên, tôi ước chừng trong ấy khoảng 8 kg chuột. Sau đó, có thêm hai người nữa cũng tấp xuồng vào, rồi các anh vừa hút thuốc, vừa trò chuyện.
Nghèo nên bất chấp hiểm nguy
Trong lúc các anh nghỉ giải lao, tôi liền hỏi một người có tên là Nguyễn Văn Tâm, làm nghề săn chuột hơn 30 năm, anh cho biết: Ngày xưa, tôi đi câu nhưng làm không đủ sống, còn đi đánh cá bằng kích điện thì bị cấm nên đành bỏ nghề chuyển sang săn chuột. Trước kia, săn chuột chủ yếu đi bộ chứ đâu có bơi xuồng như bây giờ.
Cũng là một thợ săn chuột có trên 20 năm kinh nghiệm, anh Nguyễn Văn Sáng cho biết: Làm nghề này cũng khó lắm, đa phần soi chuột dọc theo những con kênh, sông, vườn, bờ đê mà nhiều lúc gặp những người chủ giữ ghe, vườn không cho vô vì họ nghĩ rằng mình phá quấy, đâm chuột họ không ngủ được nên không cho làm.
Nói về nỗi cơ cực trong nghề, anh Sáng tâm sự: "Tôi chỉ có một cái nền nhà và quanh năm sống bằng nghề săn chuột. Nhà nghèo nên mưa nắng gì cũng phải đi.
Để có việc mỗi ngày thì phải đi những đồng xa như Long Mỹ, Ngã Năm, Cà Đôi… Vì những nơi đó lúa thu hoạch sớm, vịt ăn đồng nên chuột dạt xuống mé kênh, soi dễ dàng. Mỗi chuyến đi chi phí từ 30.000 - 50.000 đồng tiền xăng. Nhiều lúc gặp bão, cây đổ thì lỗ vốn”.

Thợ săn ngồi trò chuyện, nghỉ ngơi

Vì nghèo mà nhiều thợ săn chuột không ngại nguy hiểm để có được miếng cơm manh áo. Anh Sửu tâm sự: Nhiều lúc đi soi gặp rắn hổ mang chui vào hang phải đợi cả tiếng đồng hồ để rắn chui ra, không thì dùng xẻng đào cả mấy tiếng mới bắt được. Nhiều người bị rắn độc cắn nếu không chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.
Nhộn nhịp chợ chuột
Sau một hồi trò chuyện, các anh chia tay nhau để tiếp tục cuộc săn. Xuồng anh Sửu rẽ sang phải để qua con kênh khác dẫn đường đến chợ.
Tôi nhìn đồng hồ đã là 0 giờ 30 sáng, anh Sửu vội giật máy chạy về hướng chợ Kinh Cùng. Anh vừa đi cũng là lúc nhiều thợ săn khác trong xã tập kết về đây. Anh Sửu nói: "Thường thì một số anh em bán chuột ở chợ Kinh Cùng hoặc Hòa Mỹ. Mỗi nơi ít nhất cũng mười mấy hai mươi xuồng, mùa nước thì tăng lên khoảng 40 chiếc, có khi lên đến 60 chiếc đậu kín cả khúc sông".
Đến chợ cũng là lúc đồng hồ chỉ 1 giờ 30, tôi thấy cả chục chiếc xuồng tấp vào mé sông gần chợ để lột chuột, người ít nhất cũng được 5 - 6 kg, còn có người được trên chục ký.
Hơn 30 phút lột chuột, các thợ săn đã lột xong chiến lợi phẩm của mình và đem lên chợ cân cho bạn hàng với giá 45.000 đ/kg, còn ếch thì bán với giá 30.000 - 70.000 đ/kg tùy loại, rắn hổ hành, hổ mang, hổ lãi… bán với giá từ 120.000- 400.000 đồng/kg tùy loại. Xong chợ, tôi thấy người ít nhất cũng bỏ túi trên 300.000 đồng, còn người nhiều lên đến cả triệu đồng.

Theo Nguyễn Nhân Video đang được xem nhiều

0 nhận xét:

Đăng nhận xét