Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

[Giải trí ] -Thu tiền tác quyền: “Vẫn rối như canh hẹ”

(Toquoc)- Không thể thu tiền tác quyền theo Nghị định 61 tại miền Bắc, Trung tâm VCPMC từng phải linh hoạt cách thu. Điều đó cho thấy cái khó của việc thực hiện luật bản quyền ở nước ta.



Vấn đề thực hiện nghĩa vụ trả tiền tác quyền ở nước ta chưa bao giờ là tự giác. Sau vụ việc liveshow Khánh Ly in Hà Nội không thanh toán tiền tác quyền khiến nhạc sĩ Phó Đức Phương- Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) phải đích thân đi “đòi nợ”, vụ việc tiếp tục “nóng” lên khi nhạc sĩ Phú Quang rút ủy thác thu tiền tác quyền các tác phẩm của mình cho VCPMC.

Trước những cáo buộc của nhạc sĩ Phú Quang về việc thu tiền tác quyền không minh bạch của Trung tâm, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã có những ý kiến phản hồi.

Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, trước năm 2011, do tình trạng lẩn tránh nghĩa vụ thực hiện bản quyền tác giả diễn ra phổ biến và phức tạp trong lĩnh vực biểu diễn tại khu vực phía Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng nên Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) buộc phải hạ mức thu phí bản quyền xuống và thực hiện theo hình thức khoán.




Để chấm dứt những hình ảnh không đẹp trong việc thu tác quyền như vừa qua, rõ ràng, phải có một chế tài, một cơ chế để cơ quan đó có đủ thẩm quyền thực thi pháp luật.

Theo đó, từ tháng 11/2011 đến tháng 10/2013, VCPMC đề ra và thu phí bản quyền theo kiểu khoán địa điểm. Cụ thể, với các chương trình diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội, VCPMC thu 18 triệu/1 chương trình; tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội và Trung tâm Hội nghị quốc gia thì mức khoán là 25 triệu/1 chương trình.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết vì nhận thấy việc thu trọn gói là không thỏa đáng nên từ tháng 11/2013 đến nay, VCPMC đã quay trở lại áp dụng mức thu theo Nghị định 61/2002/NĐ-CP của Chính phủ. “Không lý gì miền Nam thực hiện thu tác quyền theo Nghị định 61 mà miền Bắc lại thu hỗn loạn như thế, nên chúng tôi quyết định thống nhất lại cách thu”- Nhạc sĩ Phó Đức Phương nhấn mạnh.

Theo đó, mức thu áp dụng cho miền Bắc là 5% x 65% số ghế (tính trên trung bình giá vé). Nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng cho biết, mức thu này giảm 10% theo mức thu được áp dụng trong miền Nam.

Nhưng nhiều nhạc sĩ, khi đã ký ủy quyền cho VCPMC nhưng khi có các chương trình của “người quen” lại tự ý nhận tiền từ phía đơn vị tổ chức khiến VCPMC lúng túng trong việc tính phí bản quyền.

Ví dụ như liveshow Khánh Ly, nhạc sĩ Phú Quang đã ký ủy quyền với VCPMC rồi sau đó tự đứng ra nhận tiền của công ty Đồng Dao (đơn vị tổ chức) với mức phí 1 triệu đồng/ bài. Điều này, theo nhạc sĩ Phó Đức Phương là vi phạm hợp đồng. Bởi theo ông Phương trong hợp đồng ủy quyền trách nhiệm bên A (nhạc sĩ) có nêu rõ không được chuyển nhượng tác phẩm hoặc trực tiếp nhận tiền từ một bên nào khác.

Trường hợp nhạc sĩ Trương Quý Hải, khi diễn ra liveshow Khánh Ly tại Hà Nội đã gọi điện cho nhạc sĩ Phó Đức Phương nói Trung tâm không thu tiền tác quyền của nhạc sĩ Hải do anh Hải có quan hệ bạn bè thân thiết với anh Sơn- công ty Đồng Dao.

Đây là những phát sinh khiến cho mức phí mà VCPMC thu thường hạ xuống so với mức tính ban đầu.

Ông Phương cũng nêu một trường hợp tương tự, với chương trình đêm nhạc Văn Cao, Đoàn Chuẩn- Từ Linh, Phạm Duy, ban đầu, Trung tâm tính mức phí là 80 triệu cho 21 tác phẩm của chương trình. Nhưng sau đó, BCT chứng minh là họ đã tự trả tiền tác quyền cho gia đình các nhạc sĩ nên Trung tâm chỉ còn thu tiền tác quyền của 8 tác phẩm với giá 20 triệu. “Chứ không có chuyện mặc cả, đang từ 80 triệu xuống 20 triệu/ một chương trình và tùy tiện như nhạc sĩ Phú Quang thông tin cho báo chí”- Nhạc sĩ Phó Đức Phương nhận định.

Trước việc nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn có hành động quỵt nợ tiền bản quyền, câu hỏi đặt ra là tại sao VCPMC không kiện họ ra tòa để bảo vệ tác quyền cho các tác giả?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương ngậm ngùi, nếu có một hợp đồng cỡ vài tỉ thì bỏ ra vài tháng để kiện còn được chứ với một chương trình khoảng vài chục triệu thì đưa ra tòa vừa mất thời gian, vừa phức tạp và tốn kém.

Chính người đứng đầu đơn vị thực thi quyền lợi cho các tác giả, nói rộng ra là thực thi pháp luật mà còn “ngại” động chạm đến pháp luật thì việc “loạn”, chây ì trong chi trả tiền tác quyền là điều dễ hiểu.

Được biết, cho đến nay, đơn vị tổ chức show Khánh Ly vẫn chưa trả tiền tác quyền cho Trung tâm. Chưa kể, nhiều chương trình diễn ra năm trước, năm sau mới “đòi” được tiền.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết: "Chúng tôi đã yêu cầu công ty Đồng Dao từ 18 đến 22/8 tới VCPMC để thực hiện bản cam kết trả tiền tác quyền show tại Hà Nội và bàn show ở Đà Nẵng. Tuy nhiên họ vẫn chưa có phản hồi nào”.

Rõ ràng, chờ đợi sự tự giác của các đơn vị tổ chức trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với quyền tác giả là điều xa vời. Bởi theo nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết, có đơn vị tổ chức là cơ quan trực thuộc nhà nước, người đứng đầu là nghệ sĩ nhân dân nhưng chưa một chương trình nào của đơn vị đó, chúng tôi thu được tiền bản quyền.

Để chấm dứt những hình ảnh không đẹp, thiếu văn minh như việc người đứng đầu một tổ chức có tư cách pháp nhân như VCMPC phải trực tiếp đi “đòi nợ” như vừa qua, rõ ràng, phải có một chế tài, một cơ chế để cơ quan đó có đủ thẩm quyền thực thi pháp luật.

Trước mắt, VCPMC đã gửi đơn “kêu cứu” tới Bộ VHTTDL. Được biết, trong tuần tới, cụ thể là ngày 27/8, Thanh tra Bộ VHTTDL sẽ có buổi làm việc với Trung tâm và công ty Đồng Dao. Hy vọng, có sự vào cuộc của cơ quan quản lý, pháp luật sẽ được tôn trọng và thực thi./.

Dạ Minh


0 nhận xét:

Đăng nhận xét