Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

[Giáo dục ] -Triển khai đề án sách giáo khoa điện tử: Cần có lộ trình thích hợp

Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) TP Hồ Chí Minh tổ chức lấy ý kiến các ngành, phụ huynh học sinh về việc triển khai Đề án (thí điểm) "Giới thiệu sách giáo khoa điện tử (SGKĐT) và máy tính bảng (MTB) dành cho học sinh tiểu học giai đoạn 2014 -2015", trong dư luận xã hội đã có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, triển khai đề án nói trên trong giai đoạn hiện nay chưa hợp lý, cần có lộ trình thích hợp.


Thời gian gần đây, học sinh tiểu học được làm quen các trang thiết bị số trong giờ học.

Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) TP Hồ Chí Minh tổ chức lấy ý kiến các ngành, phụ huynh học sinh về việc triển khai Đề án (thí điểm) "Giới thiệu sách giáo khoa điện tử (SGKĐT) và máy tính bảng (MTB) dành cho học sinh tiểu học giai đoạn 2014 -2015", trong dư luận xã hội đã có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, triển khai đề án nói trên trong giai đoạn hiện nay chưa hợp lý, cần có lộ trình thích hợp.

TP Hồ Chí Minh hiện có 327.127 học sinh lớp một, hai, ba theo học ở 451 trường tiểu học và 100% số phòng học đã kiên cố hóa và nối mạng in-tơ-nét. Tuy nhiên trong số 6.874 phòng học tiểu học, chỉ có 661 phòng học tin học và ngoại ngữ. Vì vậy, theo ngành, cứ 51,74 học sinh dùng chung một máy tính. Một cán bộ quản lý của ngành GD và ĐT cho rằng: Việc Sở GD và ĐT thành phố Hồ Chí Minh lấy ý kiến các ngành, các cấp và nhân dân thành phố để triển khai Đề án (thí điểm) "Giới thiệu sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng dành cho học sinh tiểu học giai đoạn 2014-2015" là hợp lý trên cơ sở phát triển chung; việc có nhiều luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này là bình thường, có sự dân chủ trong đổi mới giáo dục. Theo đề án, mỗi học sinh cần mua một bút chấm đọc điện tử và một MTB có cài đặt SGKĐT và các chương trình ứng dụng khác từ hai nguồn ngân sách và xã hội hóa. Như vậy, sẽ chỉ có 5.334 MTB được ngân sách hỗ trợ cho các học sinh nghèo, diện chính sách và 10.389 MTB khác hỗ trợ giáo viên. Còn lại phần xã hội hóa (phụ huynh tự mua) lên đến 321.793 MTB.

Sau khi xem đề án, chị Nguyễn Thị Ngọc Trang (quận Bình Tân) có hai con học tiểu học cho biết: "Mục tiêu của đề án thí điểm nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ giáo viên; trang bị bộ thiết bị dùng chung có mức độ tương tác cao cho các phòng học; sử dụng MTB có cài đặt bộ sách giáo khoa từ lớp một đến lớp ba đã được số hóa theo công nghệ 3D; giảm khối lượng sách vở, dụng cụ học tập... là rất quý. Các con tôi đã làm quen với thiết bị điện tử từ bé (nhưng có giới hạn thời gian) do vậy sẽ sử dụng thành thạo MTB. Hơn nữa nếu giảm bớt việc mang vác sách giáo khoa truyền thống thì cũng đỡ khổ cho các cháu". Cô giáo Trần Thị Hoa Lài, giáo viên một trường tiểu học tại quận 8 bày tỏ quan điểm: "Ngoài SGKĐT cài đặt sẵn trong MTB, tôi còn ấn tượng với phần mềm dạy ngoại ngữ mang tính khoa học, có khả năng sư phạm tốt giúp học sinh rèn luyện được kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Điều này khá quan trọng khi học sinh tiểu học hiện nay cũng đã tham gia học tiếng Anh tăng cường rất nhiều. Tôi thấy đề án có ghi rõ nguồn vốn xã hội hóa mua MTB sẽ được thanh toán trong vòng hai năm kể từ ngày bàn giao MTB, đây cũng là cách làm cho phụ huynh học sinh "nhẹ gánh" hơn, mà các em học sinh cũng được làm quen sớm với công nghệ số, cách dạy học tiên tiến mà các nước đã làm từ lâu". Anh Dương Thanh Sơn (quận 11) cho rằng: "Tôi biết thế giới ngày càng tiến bộ, các con tôi cũng khao khát sử dụng thiết bị số. Nhưng nghe nói giá máy tính bảng từ ba đến năm triệu đồng/chiếc thì làm sao "kham" nổi".

Một cán bộ y tế học đường ở một trường tiểu học quận 3 nêu ý kiến: "Học sinh còn nhỏ, tiếp xúc nhiều với máy tính chắc chắn sẽ hại cho mắt. Thêm nữa thiết bị đắt tiền khó bảo quản, dễ dàng bị cướp giật, không khéo lại nảy sinh chuyện đau lòng từ chiếc MTB trong tay các em bé từ sáu đến tám tuổi. Ngành GD và ĐT có tính đến việc trẻ con lạm dụng MTB cho việc chơi game, xem phim ảnh trên mạng hay chưa? Nên chăng chỉ áp dụng thí điểm đề án này tại một quận vùng ven và một quận trung tâm. Nơi thí điểm phải có tủ bảo quản MTB sau giờ học. Đường truyền in-tơ-nét phải đủ mạnh để cùng lúc bảo đảm sử dụng cho hàng chục học sinh mỗi lớp. Khi thí điểm thành công, ngành GD và ĐT mới làm đại trà toàn thành phố".

Một số chuyên gia cho rằng: Theo kế hoạch, đề án sẽ đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cho các phòng học và các trường học với trị giá hơn 730 tỷ đồng; mỗi trường được đầu tư trang thiết bị cho các phòng chuyên môn (1,1 tỷ đồng/hệ thống); mỗi phòng học được trang bị bộ thiết bị giảng dạy dùng chung (262 triệu đồng/bộ)... nhưng hiện nay, hầu hết giáo viên tiểu học đều chưa được đào tạo kỹ năng sử dụng các trang thiết bị này. Trong khi đó, yêu cầu triển khai đề án cần đào tạo hai giáo viên/trường (tổng số 902 giáo viên cần đào tạo) và sau đó số giáo viên này sẽ đào tạo lại cho các giáo viên khác... là điều không thể làm trong một sớm một chiều, trong khi năm học 2014-2015 đã đến. Một vấn đề nữa là việc đào tạo không chỉ dừng lại ở chuyện đào tạo sử dụng trang thiết bị mà giáo viên cần biết biên tập, biết tạo mới và chia sẻ các tài liệu số hóa đến học sinh; cần phải thành thục kỹ năng quản lý bài kiểm tra và cách phòng chống "chia sẻ thông tin" qua mạng giữa các học sinh; biết cách sử dụng và trao đổi sổ liên lạc điện tử với phụ huynh (chưa kể là phụ huynh cũng phải biết sử dụng máy tính); biết cách giao và quản lý bài tập về nhà...

Đề cập vấn đề thời gian triển khai đề án nói trên, đồng chí Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Phải có lộ trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để làm chủ được thiết bị công nghệ hiện đại; phải đầu tư nền tảng công nghệ thông tin nhưng trên tinh thần phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của thành phố; không cố chạy theo các mô hình trên thế giới để tạo gánh nặng cho ngân sách và nhân dân. Đó chưa kể cần có sự đồng thuận cao của đông đảo phụ huynh học sinh... mới có thể triển khai đề án này một cách hiệu quả.

LÊ HƯƠNG LY

0 nhận xét:

Đăng nhận xét