Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

[Giáo dục ] -Ứng xử với tiền trong giáo dục

PN - Nếu muốn kiếm tiền và thật nhiều tiền, hãy tìm nơi khác chứ không phải trong giáo dục.

Câu chuyện tiền trong giáo dục lẽ ra đã được xã hội đón nhận với cái nhìn thiện cảm, nếu không có vụ “lật đổ” tại Đại học (ĐH) Hoa Sen ngày 2/8, bởi trước đó hai ngày, hội thảo “Cải cách giáo dục ĐH Việt Nam” do Nhóm đối thoại giáo dục của GS Ngô Bảo Châu và Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM tổ chức cũng đặt ra vấn đề này. Vụ việc tại ĐH Hoa Sen như một câu chuyện thực tế nhất để minh họa cho những bất cập mà GS Ngô Bảo Châu và cộng sự của ông khơi gợi về quá trình đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tại cuộc đại hội cổ đông bất thường ở ĐH Hoa Sen ngày 2/8, một thành viên thuộc nhóm cổ đông 30% phát biểu đại ý rằng: “Với chúng tôi, đồng tiền gắn liền khúc ruột. Các thầy các cô không dạy trường này sẽ dạy trường khác, riêng chúng tôi bỏ tiền đầu tư mới bị thiệt hại mà thôi”. Cách nhìn hết sức đúng dưới góc độ nhà đầu tư (NĐT) này đã gây sốc cho nhiều người.

Sốc ở chỗ người ta rất dễ nghĩ rằng các NĐT vì tiền mà bước qua tất cả, kể cả xóa đi những gì mà người khác đã dày công gây dựng vì sự nghiệp giáo dục trong rất nhiều năm qua. ĐH Hoa Sen có được tiếng tăm như ngày nay là sự nỗ lực của cả tập thể giáo viên, trong đó có hiệu trưởng Bùi Trân Phượng. Người ta sốc vì khi nhà trường đã bước vào giai đoạn gặt hái thì những người dày công gầy dựng nên nó bị “lật đổ” bằng cái cách không phù hợp mấy trong môi trường giáo dục. Vậy nên, dù bày tỏ một cái nhìn “đúng đắn” trong kinh doanh, nhưng đại diện nhóm cổ đông chi phối ở ĐH Hoa Sen đã trở nên "kệch cỡm" hơn bao giờ hết khi đã không gắn được đồng tiền với những yếu tố sạch sẽ mà nó có thể mang lại.

Trước khi nói đến lỗi cơ chế thì hãy xem các NĐT có xứng là NĐT giáo dục? Trước ĐH Hoa Sen, ĐH Hùng Vương đã xảy ra “lùm xùm”, người ta giành giật nhau tất cả mọi quyền lợi ngoại trừ… người học. Cả hai đều có những khoảng mờ, không minh bạch. Người ta “vẽ” ra các con số, “phù phép” số cổ phần, tăng giảm vốn bằng các chiêu trò… để đạt được mục đích là thâu tóm quyền và tiền.

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, nhưng cách nói triết lý ấy đã trở nên buồn cười với ĐH Hùng Vương trước đây hay ĐH Hoa Sen lúc này. Trong buôn bán, khách hàng có thể quay lưng với sản phẩm ưa thích ngay lập tức, còn sinh viên thì không thể bỏ trường, dù “cái tâm” của những người điều hành, giảng dạy mình đã lộ rõ chân tướng. Các NĐT đủ ma mãnh để có thể dẫn dắt mọi thứ, kể cả những trí thức đang là khách hàng của mình.

Tự chủ tài chính trong giáo dục được đề cập rất nhiều, nhưng cho đến giờ vẫn chưa có gì rõ ràng. Sau Hùng Vương, Hoa Sen, chắc chắn sẽ còn những “Hùng Vương”, “Hoa Sen” tiếp theo, khi mà nhiều yếu tố dường như đang ủng hộ các nhóm cổ đông chi phối như trên. Có gì trong luật để minh định rằng: khi mọi thứ đang ăn nên làm ra thì các NĐT vẫn phải sòng phẳng và có trách nhiệm với người học; bảo đảm về mặt luật định những mâu thuẫn phát sinh có thể giải quyết mà không được ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của thầy - trò; và ít nhiều cũng để hướng đến sự đầu tư cho giáo dục mang tính nhân văn hơn?

Nếu xem đầu tư cho giáo dục là một cách đổ tiền làm từ thiện thì không phải, thử hỏi ai bỏ tiền ra mà không muốn thu lại hay ít nhất cũng bảo toàn vốn? Xử lý câu chuyện nhân văn mà trần trụi này đòi hỏi phải có chính sách phù hợp và đầy đủ chế tài. Hiện chúng ta đang trong quá trình học hỏi, nghiên cứu để có được cơ chế phù hợp ấy. Vậy nên trong khi chờ đợi, những người còn lại đừng nên lợi dụng các kẽ hở luật pháp để làm những điều mà ai cũng lên án. Nếu muốn kiếm tiền và thật nhiều tiền, hãy tìm nơi khác chứ không phải trong giáo dục.

Phương Đông


0 nhận xét:

Đăng nhận xét