Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

[Nhà đất] -Giải pháp nào cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội ?

Đến nay, TP Hà Nội đã xây dựng, cải tạo 14 chung cư cũ (CCC), quá "khiêm tốn" so với hơn 1.100 CCC hiện có trên địa bàn, hầu hết tại các quận nội thành, theo thời gian đã xuống cấp, trong đó ba CCC đã xuống cấp đến mức độ nguy hiểm cần xây dựng lại. Tình trạng "dùng dằng" đi hay ở của người dân, doanh nghiệp chưa mặn mà, thiếu các cơ chế, chính sách nhất quán,... đã gây trở ngại, làm giảm hiệu quả của chương trình. Đã đến lúc cần có một chính sách tổng thể phù hợp cho cải tạo CCC.

Đến nay, TP Hà Nội đã xây dựng, cải tạo 14 chung cư cũ (CCC), quá "khiêm tốn" so với hơn 1.100 CCC hiện có trên địa bàn, hầu hết tại các quận nội thành, theo thời gian đã xuống cấp, trong đó ba CCC đã xuống cấp đến mức độ nguy hiểm cần xây dựng lại. Tình trạng "dùng dằng" đi hay ở của người dân, doanh nghiệp chưa mặn mà, thiếu các cơ chế, chính sách nhất quán,... đã gây trở ngại, làm giảm hiệu quả của chương trình. Đã đến lúc cần có một chính sách tổng thể phù hợp cho cải tạo CCC.

Dẫm chân tại chỗ

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn đánh giá, hầu hết tiến độ các dự án cải tạo CCC trên địa bàn Hà Nội nhiều năm qua không có bước tiến nào đáng kể. Trong quá trình triển khai các dự án, mặc dù đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận và hai phần ba số hộ đồng thuận di dời, nhưng một số hộ gia đình cố tình "chây ỳ", đưa ra những đòi hỏi không hợp lý, nhất là các hộ ở tầng 1 có lợi thế kinh doanh và sử dụng diện tích đất lấn chiếm trái quy định của pháp luật, dẫn đến dự án không triển khai được. Theo quy định của thành phố, hệ số tái định cư K là 1,2 lần, tuy nhiên một số dự án được cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm tự cân đối tài chính, người dân được tái định cư tại chỗ với hệ số K cao hơn quy định, từ 1,7 đến 2,2 lần. Sau khi có chỉ đạo của Chính phủ về đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng giảm mật độ xây dựng, tầng cao, giảm dân số trong khu vực nội thành từ 1,2 triệu người xuống còn 0,8 triệu người cho nên không thể tiếp tục thực hiện. Các CCC hiện nay đa phần được xây dựng từ những năm 1980 trở về trước bằng nguồn vốn ngân sách và phân phối cho CBCNV, được chuyển đổi từ hình thức sở hữu Nhà nước sang sở hữu tư nhân theo phương thức bán nhà theo Nghị định 61/CP. Thực tế trong quá trình sử dụng, các hộ gia đình đã tự cơi nới, phát triển trên diện tích đất trống, sân chung, do vậy đến nay phần lớn diện tích xây dựng cũng như dân số trong các khu CCC đã tăng gấp 1,5 đến 2 lần so với thiết kế ban đầu và đã bắt đầu xuống cấp. Tuy nhiên, hiện chưa có chế tài xử lý đối với yêu cầu tổ chức di dời các hộ gia đình đang cư trú tại một số CCC được xác định mức độ nguy hiểm cấp C. Trong khi đó, công tác kiểm định chất lượng nhà lắp ghép tấm lớn chưa được quy định rõ, vì dạng nhà này chỉ có chiều dày tường, mái,... là 10 cm, được liên kết bằng thép D6, D8. Đến nay, hầu hết nhà lắp ghép đã bị phá hủy mối nối, nếu có lực xô ngang rất dễ xảy ra tai họa, trong khi đó, theo quy định loại nhà này mới chỉ được đánh giá nguy hiểm cấp C...

Một trong những vấn đề hóc búa hiện nay là giải quyết bài toán hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp (DN), người dân trong khi phải thực hiện nghiêm túc quy hoạch Thủ đô, hạn chế mật độ xây dựng, dân cư... Các DN vẫn trông chờ vào việc nới lỏng các quy định, hỗ trợ một phần các chi phí để thực hiện dự án. Tuy nhiên, việc vừa bảo đảm cân đối tài chính cho DN, cải thiện diện tích ở cho người dân, nhưng không làm tăng thêm dân số rất khó khả thi. Ngay cả dự án cải tạo CCC Nguyễn Công Trứ đã được hỗ trợ một phần kinh phí từ thành phố và có sẵn những khu nhà tạm cư cũng đang gặp khó khăn trong việc triển khai xây dựng. Ngoài ra, ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp để thực hiện việc kiểm định và xử lý CCC nguy hiểm. Do vậy, TP Hà Nội mới bố trí hơn 20 tỷ đồng và chỉ kiểm định được 165 nhà, trong đó 54 nhà/đơn nguyên đã được phân loại nguy hiểm từ loại C trở lên cần cải tạo hoặc phá dỡ, ba nhà nguy hiểm loại D cần di dời khẩn cấp. Đáng lưu ý là chưa có nhà chung cư nào trong số 54 nhà nguy hiểm được xử lý.

Cần có cơ chế thống nhất

Có thể nói, các chính sách hiện hành về cải tạo CCC vẫn còn đang trong vòng luẩn quẩn. Vì vậy, vấn đề là cần sớm ban hành những quy định tổng thể, nhất quán. Tại cuộc làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội về vấn đề này, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã khẳng định: Cần thống nhất quan điểm phải bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng, mỹ quan đô thị, trong đó có các công trình cải tạo CCC. Thực tế triển khai chương trình đã phát sinh nhiều khó khăn chưa lường trước hết được. Còn quá nhiều vấn đề vướng mắc phát sinh cần giải quyết cho nên kết quả của chương trình chắc chắn không đạt được yêu cầu cải tạo hết các CCC vào năm 2015 theo Nghị quyết 34/NQ-CP của Chính phủ. Bộ Xây dựng đang xây dựng Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, trong đó dành một phần đề cập đến các vấn đề liên quan đến xây dựng, cải tạo CCC từ quy hoạch, chọn lựa chủ đầu tư, phương thức xây dựng, cơ chế huy động vốn... Trước mắt, cần tiếp tục thực hiện tăng cường quản lý chất lượng, trong đó có việc kiểm định, đánh giá chất lượng của CCC, có thể thuê các cơ quan kiểm định, thậm chí tổ chức nước ngoài tham gia. Rà soát, đánh giá toàn diện CCC, trước mắt phải gia cố ngay những công trình, những bộ phận công trình không an toàn, kiên quyết đưa người dân ra khỏi nhà nguy hiểm. Đồng thời cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến CCC. Đây là trách nhiệm của Bộ Xây dựng. Tới đây, Bộ sẽ tập trung xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, tuổi thọ công trình, phối hợp với UBND thành phố trình Chính phủ xây dựng cơ chế chính sách để huy động nguồn lực xã hội tham gia chương trình cải tạo CCC. Xây dựng kế hoạch tổng thể cải tạo, xây dựng lại CCC trên địa bàn, trong đó tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch các khu chung cư, không làm từng dự án. Lựa chọn các DN có tiềm lực tài chính và tâm huyết để tăng cường hiệu quả của chương trình...

Cùng chung nhận định, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, Hà Nội và Bộ Xây dựng sẽ thống nhất một số nội dung đề xuất Chính phủ, trong đó có những vấn đề liên quan cải tạo, tái thiết các khu CCC. Hà Nội là nơi có quỹ nhà chung cư lớn nhất cả nước và nhiều khu đã xuống cấp, do vậy việc tái thiết là nhiệm vụ quan trọng, được thành phố hết sức quan tâm. Quan điểm của thành phố coi việc xây dựng, tái thiết CCC là trách nhiệm của Nhà nước, chính quyền các cấp và của người dân, không đẩy trách nhiệm cho DN, từ đó xác định rõ trách nhiệm các bên liên quan. Khi đã thống nhất, trở thành quy định bắt buộc, các bên phải có trách nhiệm tuân thủ và chấp hành, hạn chế các vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai dự án. Tới đây, thành phố sẽ đề xuất ban hành mới phương thức cải tạo, tái thiết nhà CCC. Hiện, điều kiện buộc DN phải có quỹ nhà tạm cư mới được tham gia cải tạo CCC đã không phù hợp, không thể thực hiện với phần lớn số DN và quá gò bó. Nên chăng, các cơ quan quản lý cần tính toán việc di dời thực hiện theo quy hoạch, xây dựng khu đô thị mới để chuyển người dân đến, mua lại diện tích nhà cũ theo cơ chế thị trường, có kiểm định giá của cơ quan chuyên môn. Thay đổi cơ chế phải bằng quy định, không cảm tính, trong đó cần đặt nhiệm vụ chính trị lên trên lợi ích kinh tế.

Chính sách cải tạo CCC cần phù hợp

Các khu CCC được xây dựng vài chục năm trước, qua thời gian sử dụng, bị bỏ lửng và thả nổi về mặt quản lý, chất lượng xuống cấp nghiêm trọng. Những người có điều kiện kinh tế hầu hết đã chuyển đi, người dân hiện đang sinh sống trong các CCC phần lớn đều là người nghèo. Do vậy cần có chính sách phù hợp các đối tượng này. Phải có một quy hoạch tổng thể, công khai, minh bạch các khu vực cho phép hoặc không cho phép tái định cư tại chỗ, kết hợp tuyên truyền, phổ biến để người dân đồng thuận, tranh thủ sức mạnh vận động của cộng đồng. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng phải có cơ chế huy động vốn thích hợp. Đây là bài toán rất khó nhưng không phải không làm được.

TRẦN NGỌC HÙNG

Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam

Xây dựng tiêu chuẩn mới đánh giá nhà CCC

Nên xem xét, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn đánh giá mức độ nguy hiểm của nhà CCC và khi có tiêu chuẩn mới, số lượng nhà nguy hiểm cấp D có thể sẽ tăng đột biến. Đồng thời, cần xây dựng thêm các tiêu chí khác liên quan môi trường sống, hạ tầng kỹ thuật,... để có cái nhìn tổng thể về tình trạng nguy hiểm của các khu CCC. Hiện nay, kinh phí bố trí cho công tác kiểm định nhà chung cư còn thấp nên chưa thể có những đánh giá tổng thể về các khu chung cư trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước.

LÊ QUANG HÙNG

Cục trưởng Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng)

LÊ XUÂN THỦY

0 nhận xét:

Đăng nhận xét