Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

[Thế giới] -Mỹ tìm cách khôi phục vị thế tại châu Phi

(HQ Online)- Các nhà lãnh đạo châu Phi đã nhận lời mời của Tổng thống Barack Obama tới Washington để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi diễn ra trong 3 ngày, từ 4 đến 6-8. Chính quyền Obama hy vọng nhân sự kiện này có thể thúc đẩy thương mại, tăng trưởng và củng cố quan hệ an ninh trong bối cảnh cuộc cạnh tranh tại Lục địa đen với Trung Quốc ngày càng gay gắt.


Việc Trung Quốc tăng đầu tư vào châu Phi đang khiến Mỹ "sốt ruột"

5 năm trước, Trung Quốc đã đánh bật Mỹ và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Hiện kim ngạch thương mại Trung Quốc-châu Phi ước tính vào khoảng 200 tỷ USD mỗi năm, gấp đôi kim ngạch thương mại thường niên Mỹ-Phi. Tuy nhiên, trong khi Mỹ đang ra sức tìm cách "đuổi kịp" Trung Quốc thì giới chuyên gia cho rằng sẽ là sai lầm nếu nhìn nhận bối cảnh hiện tại là một cuộc cạnh tranh trực tiếp giữa hai cường quốc này bởi đầu tư của Trung Quốc thậm chí còn có thể thúc đẩy thương mại Mỹ và trên thực tế, các doanh nghiệp của hai nước tập trung vào các lĩnh vực khác nhau.

Nhà phân tích Dane Erickson thuộc Đại học Colorado, viết trên tạp chí "The American Interest" rằng: "Các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc vào khu vực đang đáp ứng 'cơn khát' về hệ thống cầu, đường và cảng biển nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đời sống của người dân. Điều này có thể đem lại lợi ích cho chính bản thân châu Phi, cho Mỹ và cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài". Ông Alex Vines, thuộc viện nghiên cứu chính sách Chatham House của Anh, nói: "Chính quyền Obama ưu tiên chính sách về châu Phi do các áp lực từ lĩnh vực thương mại. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi diễn ra là nhằm hiện thực hóa ưu tiên này hơn là nhằm cạnh tranh với Trung Quốc".

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng châu Phi hiện có tốc độ phát triển nhanh hơn châu Á. Rene Kouassi - Giám đốc phụ trách các vấn đề kinh tế tại Liên hiệp châu Phi (AU) - nói: "Châu Phi giờ đang trở thành vũ đài cạnh tranh của châu Âu, châu Mỹ, Trung Quốc và thậm chí là cả một số nước Arab".

Giới phân tích cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay sẽ là tái cơ cấu mối quan hệ với châu Phi. Bảy trong số các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới nằm ở lục địa này. Nhiều người hy vọng trong tương lai châu Phi sẽ thoát khỏi hình ảnh một châu lục bị chiến tranh tàn phá, nơi từ trước tới nay các mối quan hệ đối ngoại hầu hết chỉ là trên phương diện viện trợ. Ngoại trưởng Kenya Amina Mohamed nói với hãng tin AFP: "Các mối quan hệ giờ không còn chỉ tập trung vào viện trợ, hay hỗ trợ nhân đạo... mà đã bao gồm cả khía cạnh kinh tế, và các bên thậm chí có thể phát triển thành quan hệ đối tác. Châu Phi vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn và đem lại nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư".

James Shikwati - Giám đốc viện nghiên cứu chính sách Mạng lưới Kinh tế Liên Khu vực tại Kenya - cho rằng Washington đang nỗ lực "tái cấu trúc" quan hệ với châu Phi trong bối cảnh "đối thủ mới là Trung Quốc" ngày càng "hiện diện" nhiều hơn tại khu vực thông qua các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Ông Christopher Wood - nhà phân tích thuộc Viện Các Vấn đề Quốc tế Nam Phi - nhận định: "Những dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc làm lu mờ nỗ lực của Mỹ. Tôi cho rằng Mỹ đang nỗ lực không ngừng để khôi phục vị thế của mình và cạnh tranh hơn (với Trung Quốc), cụ thể như tăng cường phát triển lĩnh vực năng lượng tại châu Phi". Trong khi đó, ông Shiwati nhận xét rằng mặc dù trước đây Mỹ chỉ tập trung vào "các vấn đề dân chủ và nhân quyền" song ông hy vọng Washington sẽ "dịu giọng hơn" và thay vào đó là thúc đẩy các dự án cụ thể như xây dựng các con đập nhằm cung cấp điện năng cho khu vực.

Ông Shikwati cho rằng cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia "nhằm giành lấy miếng bánh châu Phi" đem lại cho chính bản thân lục địa này không ít cơ hội và thách thức. Ông nhấn mạnh: "Những cuộc cạnh tranh giúp các nước châu Phi có thêm đòn bảy để đàm phán và giành lấy những gì họ muốn", song kinh nghiệm lịch sử buộc người ta phải cảnh giác bởi các quốc gia khác có thể tìm mọi cách chỉ để "giành lấy miếng bánh cho riêng mình".


0 nhận xét:

Đăng nhận xét