Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

[Kinh tế] -Bài toán giảm lãi suất cho vay

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như giải bài toán kích cầu tín dụng, xử lý nợ xấu nhanh và làm sao để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng như mục tiêu đầu năm đã đề ra là 12 - 14% mà không để tăng dồn toa, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản cho vay cũ.


Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 31-7-2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,36%, huy động vốn tăng 6,98% (huy động bằng VND tăng 7,92%, huy động bằng ngoại tệ tăng 1,31%) so với cuối năm 2013; lãi suất thị trường liên ngân hàng tăng nhẹ nhưng vẫn có xu hướng ổn định ở mức thấp.

Trong tháng 7 vừa qua, lãi suất huy động và cho vay VND của các tổ chức tín dụng tương đối ổn định sau khi đã giảm nhẹ trong tháng 6. Đến nay mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đã giảm 0,5 - 1,5%/năm so với cuối năm 2013, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1%/năm so với cuối năm 2013.

Nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay (kể cả các khoản cho vay cũ). Trước đó, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho rằng, lạm phát được dự báo tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm cho nên mặt bằng lãi suất sẽ có điều kiện tiếp tục giảm để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Báo cáo của Ủy ban cho thấy, tại hệ thống ngân hàng, lãi suất giảm đối với cả tiền gửi và cho vay. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Tính đến tháng 7, lãi suất tiền gửi VND bình quân là 5,53%/năm, giảm 0,6% so với tháng 12-2013 trong khi lãi suất cho vay bình quân là 10,08%/năm, giảm 0,25% so với tháng 12-2013. Về vấn đề này, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho rằng, ngân hàng sẽ đẩy mạnh các gói tín dụng lãi suất thấp, gia tăng các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và tích cực tham gia chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Mới đây, HDBank dành 5.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên cả nước sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm. Hay như OceanBank cũng đang triển khai gói lãi suất cho vay ưu đãi 2.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp, kéo dài đến 30-9-2014, với lãi suất 7%/năm trong ba tháng đầu, từ tháng thứ tư sẽ áp dụng mức lãi suất theo chính sách của OceanBank.

Tuy nhiên, với thông điệp phát đi từ Ngân hàng Nhà nước, một số chuyên gia kinh tế nhận xét, về mặt lý thuyết, khi lạm phát thấp, ổn định thì hoàn toàn có cơ sở để giảm lãi suất. Song, hiện nay khó giảm lãi suất do nợ xấu đang tăng trở lại, quản trị hệ thống ngân hàng trong tái cấu trúc rất tốn kém. Hơn nữa, ngân hàng phải giữ biên lợi nhuận nhất định, tín dụng không đẩy ra được nên phải tiếp tục giữ chênh lệch lãi suất cao để bảo đảm lợi nhuận.

Không ít lãnh đạo ngân hàng cũng nhìn nhận giảm lãi suất cho vay là khó, buộc phải trông chờ vào việc tiết kiệm tối đa chi phí, tăng cường thu dịch vụ khác và giảm chỉ tiêu lợi nhuận, nếu không muốn rơi vào bẫy thanh khoản. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên điều hành lãi suất theo hướng ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá, thay vì ép lãi suất giảm tiếp. Để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nên tập trung vào các chính sách kích cầu. Trong trường hợp vẫn phải thực hiện giải pháp giảm lãi suất thì cũng nên tính cả vấn đề hạ trần lãi suất, với một lộ trình phù hợp trong bài toán chính sách tài khóa và tiền tệ.

NGUYÊN ĐÀO

0 nhận xét:

Đăng nhận xét