Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

[Giáo dục ] -Thêm nhiều chi tiết mới vụ “máy tính bảng và 4.000 tỉ đồng”

(GDVN) - Trong đề án “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản toàn diện cho các trường tiểu học” được cho là của AIC có nhiều điểm rất “gần gũi” với đề án 4.000 tỉ đồng.

AIC mua 3.500 máy tính bảng để nội bộ dùng?

Đề án "Sách giáo khoa (SGK) điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học lớp 1, 2, 3” do Sở GD&ĐT TP HCM “chủ trì” đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Hai “nhân vật” được nhắc đến nhiều trong vụ việc này là Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Sở GD&ĐT TP.HCM.


Mọi thông số trong đề án khi được giới thiệu từ số học sinh, trường, lớp đến mô tả tính năng máy móc... tất cả đều nhằm mục đích thuyết phục mọi người bỏ tiền ra để trang bị máy móc - Ảnh: Đào Ngọc Thạch (Thanh Niên)

AIC là công ty hoạt động ở nhiều lĩnh vực, trong đó có làm về cung cấp thiết bị giáo dục…

Lí do khiến nhiều người nghi ngờ AIC đứng sau đề án là vì công ty này có tham gia vào hội thảo giới thiệu về đề án “Sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học lớp 1, 2, 3” được Sở GD&ĐT TP HCM tổ chức.

Điểm nữa là vào năm 2013, AIC ký với một nhà xuất bản hợp đồng về việc chuyển giao chương trình sách giáo khoa điện tử Classbooks để AIC đưa vào các trường phổ thông tại Việt Nam trong năm 2014.

Trước đó có thông tin AIC nhập lô hàng 3.500 máy tính bảng có xuất xứ từ Đài Loan qua cảng Hải Phòng, có giá thành khoảng 900.000 đồng/chiếc. Những máy tính bảng này có thông số kỹ thuật, cấu hình gần giống hoàn toàn thông tin chiếc máy tính bảng mà Sở GD&ĐT TP HCM công bố hôm 18/8.

Về việc này, trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng Giám đốc AIC đã lí giải rằng lô hàng 3.500 máy tính bảng có xuất xứ Đài Loan đó công ty mua về để phục vụ cho các công việc nội bộ và tặng cho khách hàng.

Bà Nhàn cũng phủ nhận nghi vấn công ty “dính líu” tới đề án 4.000 tỉ đồng mua máy tính bảng của Sở GD&ĐT TP HCM.

Tuy đây mới chỉ là đề án nhưng đã gây nên phản ứng không mấy tích cực từ phía dư luận. Hiện tại, điều khiến mọi người quan tâm nhất là đề án này từ đâu mà có?

AIC vô can?

Không có gì tự nhiên mà sinh ra. Chúng tôi không và chưa quy kết cho bất kỳ đơn vị nào đứng sau đề án. Tuy nhiên, để rộng đường dư luận, tòa soạn xin đưa ra một số tư liệu, qua đó để những nhà chuyên môn phân tích, đánh giá.

Hiện trong tay phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đang giữ những tài liệu quan trọng liên quan đến một đề án “đổi mới giáo dục HCM…” được cho là của cán bộ AIC lập ra. Qua đề án này rồi xem lại đề án 4.000 tỉ đồng mua máy tính bảng cho học sinh lớp 1, 2, 3 tại TP HCM thấy có nhiều điểm rất “gần gũi”.

Đề án có tên “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản toàn diện cho các trường tiểu học” bao gồm khá nhiều nội dung như: Cơ sở pháp lí, tính cần thiết. Theo tìm hiểu, đề án này được lập vào những tháng cuối năm 2013.

Nội dung đề án gồm 6 phần, có nhiều điểm được cho là có “gắn bó mật thiết” với đề án máy tính bảng và 4.000 tỉ đồng.

Cụ thể, ở mục 3.4 phần 3 đề án có nội dung: “Xây dựng và hoàn thiện các chương trình đào tạo: sách giáo khoa điện tử, các chương trình đào tạo tăng cường cho học sinh, các chương trình đào tạo cán bộ quản lý và giáo viên”.

Mục 3.5: “Xây dựng các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy, học và quản lý đào tạo”.

Trong mục 3.5 tiếp tục được chia ra làm các mục nhỏ như: Hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm cả thẻ 3G cho học sinh và giáo viên sử dụng; Trung tâm cơ sở dữ liệu Edumal để quản lý các cơ sở dữ liệu đào tạo trên nền tảng Elearning và đào tạo offline; Hệ thống kết nối các phương tiện thiết bị đào tạo và quản lý chung bằng điện toán đám mây; Hệ thống phần mềm quản lý, kiểm tra, đánh giá cho toàn hệ thống và đến từng giáo viên, học sinh.

Mục 3.8: “Tổ chức đào tạo cán bộ quản lý và giáo viên”.

Và một số phần khác…

Dự toán mỗi lớp học phụ huynh phải chi 255 triệu đồng mua máy

Thông tin tiếp theo sẽ khiến không ít người phải giật mình vì tổng mức đầu tư và nguồn vốn của đề án này.

Tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư:

255 triệu/lớp học x 5.500 lớp học, vị chi là 1.402 tỷ đồng.

Trong đó, khảo sát, lấy ý kiến của các trường: 1 tỷ đồng.
Kiểm tra, đánh giá giáo viên: 500.000 đồng/giáo viên.
Khảo sát, đánh giá để xác nhận nhu cầu.
Xây dựng và hoàn thiện các chương trình đào tạo: sách giáo khoa điện tử, các chương trình đào tạo tăng cường cho học sinh, các chương trình đào tạo cán bộ quản lý và giáo viên.
Xây dựng các chương trình ứng dụng Công nghệ thông tin vào dạy, học và quản lý đào tạo.
Hệ thống kết nối các phương tiện thiết bị đào tạo và quản lý chung bằng điện toán đám mây;
Hệ thống phần mềm quản lý, kiểm tra, đánh giá cho toàn hệ thống và đến từng giáo viên, học sinh.

Hệ thống các trang thiết bị bao gồm:

Màn hình thông minh
Camera cho lớp học: 1 đến 2 camera/lớp tùy cấu hình và chủng loại
Thiết bị trắc nghiệm
Bộ máy đọc tài liệu
Đèn chiếu cự ly ngắn
Bộ chân đế và khung để lắp đặt
Máy tính cho giáo viên
Loa
Âm ly
Micro
Bút đọc sách tiếng anh cho giáo viên và học sinh
Máy tính bảng cho học sinh
Server cho từng trường học

Ngoài ra còn một số mục khác…

Trên đây chỉ là một phần nhỏ trong số những tài liệu mà phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam có. Việc chứng minh ai là người “đứng sau” đề án là việc cần làm của cơ quan chức năng.

Xin lưu ý rằng những con số trên không nhằm chứng minh AIC có liên quan đến đề án 4.000 tỉ đồng của Sở Giáo dục thành phố HCM.

Báo Giáo dục Việt Nam chỉ công bố một số thông tin để quý độc giả có góc nhìn đa chiều về vụ việc đang gây nhiều tranh cãi này. Các mối liên hệ giữa Sở GD&ĐT TP.HCM với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia, dự định tham gia vào đề án trên cần có sự vào cuộc của cơ quan hữu quan mới sáng tỏ được.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét